top of page

Lời chúc tết




Mỗi mùa Tết hay nhận được những câu chào hỏi quen thuộc “Con năm nay nhiêu tuổi rồi”. Thật ra, nếu nghĩ kỹ lại thì mình không có vấn đề gì với câu hỏi ấy, đó là sự quan tâm. Nhưng mình rất có vấn đề với những thắc mắc kèm theo sau đó. Ví dụ, sau khi hỏi tuổi, câu hỏi tiếp theo sẽ là “Con đi làm được bao nhiêu? Có người yêu chưa? Thấy đi học cực khổ, tốn kém quá mà cũng chưa ổn hén.” Mình có từng hỏi một vài người lớn đã hỏi mình những câu này là vì sao phải chào hỏi nhau bằng những câu như vậy thì được bảo là “quan tâm nhau thì hỏi thăm nhau” và vì đó giờ những người xung quanh và ở cùng thế hệ vẫn hỏi nhau như thế nên “không biết chào nhau bằng cách nào khác hơn”. Nghe xong lời giải thích thì mình có nửa phần thương nửa phần khó chịu.


Thương là vì thấy chuyện “thương nhau” coi vậy mà không dễ. Mình nghĩ mình thương, mình quan tâm nhau hỏi nhau vài câu mà đâu ngờ người được thương chẳng những không cảm nhận được mà ngược lại còn khó chịu vì ngôn ngữ tình thương của mình còn vụng về.


Khó chịu là vì tự nhiên nhận ra tâm trí của những người quanh mình (vô hình) bị trói buộc bởi nhiều thứ. Tới nỗi, lúc thể hiện sự quan tâm thì cũng sẽ (rất tự nhiên) đính kèm những trói buộc vào đấy. Lấy lại ví dụ các câu chào hỏi quan tâm bên trên:“ Con năm nay nhiêu tuổi rồi?”“ Con đi làm nghề gì? Được bao nhiêu? Có người yêu chưa? Thấy đi học cực khổ, tốn kém quá mà cũng chưa ổn hén.”

à Suy nghĩ ấy bị (ngấm ngầm) đính kèm trong một loạt câu hỏi thể hiện sự quan tâm là: Đến một độ tuổi nhất định, con (dĩ nhiên) sẽ phải đi làm một nghề gì đấy, có thu nhập ổn (xứng đáng với công sức bỏ ra), phải có người yêu và cuộc sống (ổn?)Mình đã thật sự thắc mắc: Quan tâm nhau thì có liên quan gì đến việc người ấy có việc làm, thu nhập ổn, có người yêu? Trừ khi, sau câu hỏi ấy là một câu khác, ví dụ như “cô lúc này đang có dư mà cũng chưa biết đầu tư vô đâu, hay chú (cô) cho con 1 TỈ làm vốn, rồi từ từ khi nào trả cũng được”. Nếu có khả năng nói và đưa ra những sự giúp đỡ tương tự như thế này này thì câu hỏi trước đấy mới chính là tìm hiểu về đối tượng mình quan tâm để mình hiểu họ, chia sẻ và đồng cảm với họ.

 

Từ nhỏ, đã mang tiếng là đứa kiêu kì, hay lĩnh lĩnh chạy trốn nhân thế, rất hay không vui khi người lớn (mình không quen) tới nhà nên hễ tới lễ Tết là im im. Nhưng dẫu có trốn trong phòng  thì tôi cũng sẽ được bắt gặp hoặc bị động lắng nghe, chào hỏi xã giao và đi qua rất nhiều cuộc hội thoại theo kiểu cố-gắng-kết-nối trong những cuộc kết nối như thế.



Mình có nhớ đại khái những lần ấy như sau:

(1) Chào con gái, lâu rồi không gặp con. Năm nay bao nhiêu tuổi rồi, có người yêu chưa? Đi làm ổn không? … Vậy chúc con năm mới thành công trong công việc, có người yêu. Cha mẹ con  nuôi con cực lắm nên cố gắng thành công nha. (2) Đây rồi, cô dâu chú rể. Có rục rịch gì chưa?

Dạ có, mà chưa có duyên với em bé. Vậy chúc tụi con sớm có duyên với em bé mới nha(Nhưng cô dâu mới đã nói với mình là chị ấy không thể và chắc là “mãi mãi” không có duyên với em bé nào được nữa)



Chứng kiến những cuộc nói chuyện đầu năm này sẽ hiểu là nếu không quan tâm thì người nói sẽ không hỏi thăm và chúc như thế. Thế nhưng, thứ đọng lại trong, phần nhiều là sự không thoải mái, khó chịu. Vì tình thương (sự quan tâm) đó, chắc là chưa đến từ cái cái hiểu đúng về người được trao yêu thương. Thật ra, có nhiều khoảng cách từ tình thương, sự quan tâm,… của người nói đến “sự đồng cảm” của người nhận hơn là chúng ta nghĩ. Đầu tiên, để có thể hiện tình thương, sự quan tâm cho người khác, mình sẽ phải mượn lời nói. Tình cảm của mình không thể tự nhiên “đi thẳng” vào người kia nếu không qua một sự thể hiện nào đó. Mà cách tự nhiên (phổ biến nhất) là mượn lời nói. Mình hỏi thăm và gửi đến người đối diện một mong ước (mà mình nghĩ) tốt đẹp cho họ. Và vì mình “mượn lời” nên để chuyển “tấm lòng” nên xuất hiện một số rào cản như:- Thứ nhất, từ ngữ không thể diễn tả được đầy đủ và chính xác những điều chúng ta muốn gửi gắm cho đối phương. Đặc biệt là khi chúng ta thể diễn đạt trọn vẹn và chính xác bằng ngôn ngữ. Ví dụ, trong cuộc hội thoại đầu tiên, người nói rất lâu rồi chưa gặp mình, họ muốn biết mình đang như thế nào. Nhưng trong vô vàn những tâm tư như thế họ chọn hỏi về việc mình “bao nhiêu tuổi, có người yêu chưa”. Vế đấy, có dịch và hiểu đó là “sự quan tâm” và mong muốn được nghe mình chia sẻ về đời sống của mình, nhiều hơn là việc trả lời trực tiếp mình bao nhiêu tuổi.

Tiếp theo, để diễn đạt “tình thương và mong muốn người nghe hạnh phúc”, họ chọn cách chúc “thành công trong công việc, có người yêu”. NHƯNG MÀ, điều người nhận nhận có thể không được diễn giải là “sự quan tâm, tình thương và mong muốn cho tôi được hạnh phúc” mà có thể được diễn giải như sau: “bao nhiêu tuổi rồi”, “có người yêu chưa?”: + người nói đang thực sự cần biết thông tin về tuổi của mình, tình trạng tình cảm của mình? mình có sẵn sàng chia sẻ điều này với họ trong ngữ cảnh này không?.

+ câu hỏi trên kết hợp với câu cuối “Cha mẹ con làm lụng nuôi con cực lắm nên cố gắng thành công nha” thì có thể được diễn giải thành: có thể họ thấy mình đã lớn, họ nghĩ mình nên có trách nhiệm có người yêu, lo lắng cho gia đình. Người nhận câu chúc ấy,(theo lời người nói)  nên cân nhắc bỏ qua những mong muốn khác của bản thân, tìm đại một “người yêu”, tìm đại một “công việc”,… để được gọi là “chăm lo cho cha mẹ”.

Tương tự, trong ví dụ số hai, người nói cũng bắt đầu với sự quan tâm và mong muốn điều tốt đẹp cho cặp đôi mới. Và lựa chọn của người nói là: “Có rục rịch gì chưa?”, “sớm có duyên với em bé mới nha”. Trong ngữ cảnh mình biết được, cô dâu không thể sinh con được. Thế nên là, dẫu cho người nghe hoàn toàn có thể hiểu được “sự quan tâm” của người nói nhưng họ không cảm thấy hạnh phúc khi nhận được những “sự diễn đạt về từ ngữ” họ mang đến. Trái lại, lời chúc ấy còn vô tình nhắc nhở người nghe về một sự thật khác rằng cô dâu mới “không thể làm mẹ được nữa” và cũng sẽ “không có em bé mới” nào có thể đến. Rõ ràng, ở ngữ cảnh này, người nghe không hề hiểu lầm ý tốt của người nói, nhưng hiệu quả của lời hỏi thăm và lời chúc mang lại hầu như chưa có.


Là một người nghe, mình hiểu rằng:- Người khác có thể đã bắt đầu việc trao lời ấy từ tình thương và thiện chí

- Nhưng họ chưa hiểu mình,

- Hoặc có thể người nói chưa đủ khả năng để diễn đạt trúng và đủ cái thiện chí họ muốn gửi gắm bằng từ ngữ.

Thật ra, không phải sự quan tâm của người nói làm người nghe khó chịu mà chỉ là họ chưa diễn đạt hiệu quả bằng ngôn ngữ những tâm tư của mình nên năng gây ra sự không thoải mái cho người nghe.

 

Là một người nói, mình hiểu rằng:

Mỗi người đều có một thế giới quan và suy nghĩ khác nhau, và chúng ta không thể nào hiểu hết về những mong ước, kì vọng của họ. Thế nên, điều mình nghĩ là tốt (theo thế giới quan) của mình, chưa hẳn trùng lập với điều người khác nghĩ. Hơn nữa, từ ngữ không thể diễn tả được đầy đủ và chính xác tất cả những điều mà chúng ta muốn gửi gắm đến người khác. Thế nên, phải luôn cẩn thận khi dùng, kể cả khi đó là một lời mình cho rằng là “lời hay ý đẹp”. Mình đã không còn chúc tụng chỉ vì nghĩ rằng “mình phải làm thế”. Nếu không thoải mái hoặc chưa chắc chắn về những điều đối phương muốn nghe, thay vì nói thì mình chọn quan sát và chia sẻ mong muốn được hiểu về họ, một cách chân thành, chậm rãi và tử tế… cho đến khi hiểu nhau rồi mới chúc nhau.


Và thay vì dùng lời, mình còn có thể dùng nhiều cách khác.Ví dụ như, mình đã được nhận một món quà như này: Mùa xuân hai năm trước, có một người một người đã ngồi cạnh, nói khẽ: “Năm mới rồi kìa, chúc mừng năm mới nha. Nếu có gì muốn ước thì cầu nguyện, có gì muốn nói thì tui có thể nghe, còn không thì ngồi im hít thở chung cũng vui rồi, chỗ này mát mẻ ghê.” Lúc đó mình ngồi im thôi nhưng thấy lòng hoa nở chim hót dữ lắm. Tặng nhau một khoảnh khắc như thế, đã là một lời chúc đẹp đẽ nhất với mình.   * Đọc tóm tắt nghiên cứu về lời chúc Tết tại đây: https://drive.google.com/file/d/1klWAJdpAZPhRKEKUpI_7l_1ogaCLAlQh/view?usp=sharing

Commentaires


say something

nice to meet you

chang dai's storage

bottom of page